Tự hào và xứng đáng truyền thống cách mạng 13/3

Đinh Thái Hương - Chủ tịch Công đoàn Xăng dầu Việt NamTạp chí Công Thương
07:59' SA - Thứ sáu, 13/03/2020

Lịch sử hoạt động ngành hàng Xăng dầu Việt Nam gắn liền với phong trào công nhân xăng dầu, từ vùng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột mà khởi đầu là sự kiện Cuộc bãi công của công nhân Sở dầu Thượng Lý, Hải Phòng ngày 13.3.1928.

Trong bề dày truyền thống, ngành Xăng dầu Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Ngành Xăng dầu Việt Nam, chúng ta cùng nhau ôn lại truyền thống của ngành Xăng dầu Việt Nam:

Năm 1858, quân đội Pháp đánh phá Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến xâm lược Việt Nam, cùng với đó là cuộc khai thác thuộc địa lần thứ I (1897-1914) của thực dân Pháp ở nước ta; xăng dầu và những mặt hàng kỹ thuật tinh xảo khác của văn minh phương Tây đã có mặt ở Việt Nam. Kể từ đó đã xuất hiện đội ngũ những người làm nghề khai mỏ, xi măng, trồng cao su, dệt vải, hỏa xa và xăng dầu trên đất nước Việt Nam.

Từ năm 1898, tư bản xăng dầu phương Tây đã đến Cảng Nhà Bè, Cảng Hải Phòng và lựa chọn địa điểm Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè và Tổng kho Xăng dầu Thượng Lý (ngày nay thuộc PETROLIMEX) làm lãnh địa để hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Sự có mặt của các hãng dầu SHELL, CALTEX, ESSO đã xuất hiện hoạt động cung cấp xăng dầu và những người làm nghề xăng dầu ở Nhà Bè, Thượng Lý đã hình thành đội ngũ công nhân xăng dầu đầu tiên ở Việt Nam.

Dưới thời Pháp thuộc, sự có mặt của các hãng dầu trước hết nhằm cung cấp xăng dầu cho cuộc chiến xâm lược, phục vụ cho quân đội viễn chinh Pháp và đời sống của bọn thực dân. Một phần nhỏ tuy có phục vụ cho sự phát triển của nền công nghiệp thuộc địa và sinh hoạt của nhân dân, nhưng cơ bản vẫn là một ngành kinh doanh của giới tư bản, kiếm lợi nhuận tối đa bằng cách bóc lột sức lao động của người bản địa. Công nhân xăng dầu phải làm việc trong điều kiện lao động hết sức vất vả, khắc nghiệt và nguy hiểm; họ thường xuyên bị đánh đập, cúp phạt tiền lương và đe dọa sa thải. Đội ngũ này bước đầu có ý thức giai cấp và dân tộc.

Ngày 13.3.1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Chủ tịch Công hội đỏ, Bí thư Đảng bộ Hải Phòng đầu tiên; đồng chí Lương Khánh Thiện, Bí thư Liên khu B; đồng chí Nguyễn Cộng Hòa, công nhân Sở dầu sau này là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, công nhân Sở dầu sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và nhiều đồng chí khác đã lãnh đạo cuộc bãi công của 422 trong số 500 công nhân Sở dầu Thượng Lý chống lại chủ sở, đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Cuộc bãi công thắng lợi và được xem như một dấu son mở đầu truyền thống bất khuất của công nhân xăng dầu. Cuộc đấu tranh của công nhân Sở dầu Thượng Lý có tiếng vang lớn khẳng định vai trò của phong trào công nhân Việt Nam khi đó.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng; ngày 29.7.1955, đồng chí Đỗ Mười - Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố Hải Phòng (nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) đã ký lệnh trưng dụng Sở dầu Thượng Lý - dấu mốc quan trọng cho sự ra đời ngành Xăng dầu Việt Nam và ngày 29.7.1955 trở thành ngày thành lập Công ty Xăng dầu Khu vực III ngày nay.

Việc cung cấp xăng dầu cho miền Bắc thời kỳ khôi phục kinh tế và xây dựng đất nước ngày một gia tăng. Với vị trí thiết yếu của loại vật tư chiến lược và tính chất phức tạp trong khâu quản lý và phân phối xăng dầu; ngày 12.01.1956, Bộ Thương nghiệp đã ban hành Quyết định số 09/BTN thành lập Tổng công dầu mỡ - tiền thân của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ngày nay.

Trên cơ sở kế thừa cơ sở vật chất, con người, truyền thống Ngành xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã trải qua những chặng đường xây dựng, chiến đấu, đổi mới, phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho trong mọi thời kỳ.

Dâng hương Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại Đài tưởng niệm ở TT. Diêm Điền - huyện Thái Thụy - tỉnh Thái Bình

Trên 60 năm xây dựng và trưởng thành,đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bạn trong cả nước,Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam không ngừng vươn lên và liên tục phát triển, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong công cuộc kháng chiến cứu nước và xây dựng Tổ quốc, khẳng định vai trò chủ lực cung cấp xăng dầu, các sản phẩm hoá dầu cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, tiêu dùng xã hội và tham gia bình ổn thị trường xăng dầu nội địa, góp phần đắc lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Có thể nói, trải qua 120 năm có mặt ở Việt Nam, dấu ấn lịch sử hoạt động của ngành Xăng dầu Việt Nam mà điểm nhấn đậm nét là cuộc bãi công của công nhân Sở dầu Thượng Lý, Hải Phòng ngày 13.3.1928 là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính trị tiêu biểu của các thế hệ công nhân xăng dầu. Để ghi nhận những đóng góp quan trọng của các thế hệ công nhân xăng dầu Việt Nam trong công cuộc giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 15.2.2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 212/QĐ-TTg lấy ngày 13 tháng 3 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành Xăng dầu Việt Nam”.

Trong ngày vui hôm nay, chúng ta cùng tin tưởng rằng với truyền thống rất đáng tự hào của 90 năm phát triển, trưởng thành, đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động của ngành Xăng dầu Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Kỷ niệm Ngày truyền thống là dịp để chúng ta ôn lại và tự hào về lịch sử hào hùng của giai cấp Công nhân Xăng dầu Việt Nam, để tri ân các thế hệ đi trước; từ đó, kế thừa và phát huy trong hoạt động thực tiễn về phát huy sức mạnh nội khối, chủ động hội nhập, đón nhận cái mới, cái hay, cái tiến bộ nhằm xây dựng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giầu mạnh theo ước nguyện của Bác Hồ kính yêu.

Cơ quan chủ quản: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Đơn vị thiết lập website: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Địa chỉ: Số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - ĐT: (024) 3851-2603 - Fax: (024) 3851-9203 – Email: banbientapweb [@] petrolimex [.] com [.] vn